Bún Thang

Được ví với vẻ đẹp và đức tính của người Tràng An, bát bún Thang, thanh mà không kém phần tinh tế, luôn gắn liền với nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

Có rất nhiều cách lý giải đối với tên gọi của món ăn này nhưng hợp lý nhất có lẽ là từ ‘thang’ được hiểu theo ‘thang thuốc’. Một tô bún gồm rất nhiều nguyên liệu, được chế biến rất tỉ mỉ và khi xếp lên bát, người ta phải xếp từng thứ vào từng góc bát, giống như việc bốc thuốc vậy.

c72f0-bun-thang-05

Tuy nhiên, mình thấy khá thú vị khi biết người ta còn dùng tên ‘món hoa xuân’ để nói đến bún Thang. Gọi như vậy vì mỗi sắc mầu trong bát bún Thang được ví với sắc hoa của mùa xuân: bún trắng ngần như hoa bưởi, trứng vàng như hoa cúc, sắc hồng của giò như hoa ban, thịt gà trắng tinh như hoa chanh, rau răm, hành lá đại diện cho màu xanh của cỏ và cây lá mùa xuân.

Hơn thế nữa, tên gọi này cũng phần nào liên quan đến thời điểm hình thành nên món ăn này. Người Hà Nội sáng tạo ra bún Thang vì muốn tận dụng hết những thức ăn còn thừa từ những ngày Tết. Mùng 4 khi các nhà hóa vàng hết Tết thì xương của những miếng gà đã chặt còn lại với tôm he được đem ninh nước dùng, thịt gà được xé nhỏ, giò lụa đem thái chỉ cùng trứng tráng mỏng, củ cải dầm được dùng làm thang. Khó có thể ngờ được từ những món ăn thừa lại của cỗ bàn  mà người Hà Nội xưa có thể tạo nên một món ăn thanh tao và đẹp như khung cảnh ngày Xuân vậy.

 
8c8c5-bun-thang-01
 



Mình học nấu bún Thang từ mẹ. Cách mẹ nấu không phải công thức bún Thang đúng gốc của người Thăng Long –Kẻ Chợ xưa nhưng không kém phần hấp dẫn và tinh tế. Đặc biệt bún Thang của mẹ không làm người nấu cảm thấy ngán ngẩm bởi cái sự tỉ mẩn, kỳ công khi chuẩn bị của món ăn nên mình có thể nấu món này mỗi cuối tuần. Mẹ dùng xương gà và xá sùng để nấu nước dùng. Nhân Thang chỉ có thịt gà, giò lụa, trứng thái rối, ruốc tôm và củ cải dầm hay còn gọi là ca-la-thầu. Mẹ luôn nói vị thanh của bát bún Thang được tôn lên nhờ chính vị hăng của rau răm, và mắm tôm lại chính là nét duyên thầm của nó.

Khi không có xá sùng mình thường thay bằng mực khô và tôm khô. Để nước dùng không bị tanh, mực phải được nướng thơm và tôm phải được đảo khô trên chảo trước khi thả vào nồi nước dùng. Thêm củ hành hay nhanh gừng nướng để át đi mùi tanh.

 
f65bd-bun-thang-04

 

Nghe nói bún Thang phải được ăn với tinh dầu cà cuống nhưng giờ khó có thể tìm được dầu cà cuống đích thực. Được biết cái mùi cay cay, thơm thơm khó tả của dầu cà cuống có thể đánh thức mọi vị giác và khiến mọi món ăn hấp dẫn lạ thường.

Tự nhiên nói đến đây, mình nghĩ đến truffle – loài nấm mọc sâu dưới lòng đất và ký sinh ở những gốc sồi, có mùi thơm rất đặc biệt và được coi là ‘kim cương’ trong ẩm thực của Châu Âu. Mình tò mò không biết liệu nếu thêm mùi thơm của truffle vào trong bún Thang sẽ thế nào nhỉ? Hẳn sẽ khác tinh dầu cà cuống nhưng vị thơm nồng nàn của nó chắc cũng sẽ giúp tôn thêm hương vị thanh tao tinh tế của bún Thang. Có lẽ lần tới mình sẽ thử điểm thêm những sợi truffle đen óng ánh vào bức tranh hoa xuân – bún Thang xem sao.

Công thức bún Thang:

Nguyên liệu:

  • 1 con gà ta khoảng 1,5kg (chọn gà ăn bắp, da vàng, xương vàng)
  • 500g giò lụa
  • 4 quả trứng vịt
  • 200g tôm sú
  • Củ cải muối thái nhỏ dầm đường, giấm.
  • 4 bộ xương gà hoặc 1kg xương ống lợn
  • 100g xá xùng hoặc 50g tôm khô và 1 con mực khô cỡ trung
  • 100g hành tím
  • 2 tbsp muối
  • 150 ml nước mắm
  • 20g đường phèn
  • 2kg bún tươi hoặc 1 gói bún khô sợi nhỏ
  • Hành hoa, rau dăm, chanh, ớt

Cách làm:

  1. Tẩy xương bằng cách ngâm trong nước muối và trụng qua nước sôi rồi rửa sạch.
  2. Đảo xá xùng/tôm khô trên chảo nóng đến vừa thơm. Nướng mực và hành khô.
  3. Bỏ xương, xá sùng (hoặc tôm khô và mực) vào nồi to cùng 5 lít nước lạnh. Khi nước sôi, hạ lửa, hớt bọt và bỏ muối, đường phèn và hành tím nướng vào nồi. Hầm lửa liu riu khoảng 3-4h. Nêm nước mắm trước khi ăn.
  4. Bạn có thể luộc gà trong nồi riêng và thêm nước luộc gà vào nước dùng sau đó hoặc ngay trong nồi nước dùng nhưng đợi đến khi vớt gà hãy bỏ xá sùng (tôm, mực) vào nồi.
  5. Sau khi gà luộc chín, để nguội, xé thịt, da thái sợi.
  6. Trứng vịt đánh bông và tráng mỏng. (Chú ý, để tráng trứng mỏng như lụa, chảo cần nóng vừa đủ và chỉ áo một lớp dầu thật mỏng. Khi đổ trứng vào chảo nên nghiêng chảo và lắc đều ngay lập tức.) Xếp các lớp trứng với nhau và thái sợi càng mỏng càng tốt.
  7. Luộc tôm với một ít nước, sau đó bóc vỏ, bỏ vào cối giã bông, sao trên chảo nóng với một chút xíu nước mắm để làm ruốc tôm.
  8. Giò lụa thái chỉ.(Sau khi thái lát giò, không xếp chồng các lát lên nhau mà trải chúng gối đầu nhau sẽ dễ thái hơn rất nhiều.)
  9. Hành hoa, khúc đầu hành chẻ sợi, phần lá và rau dăm đem xắt nhỏ.
  10. Bày bún vào tô, xếp mỗi phần nhân (thịt gà, trứng, giò lụa, ruốc tôm, củ cải) vào một góc tô, hành răm ở giữa. Khi ăn chần nhanh qua nước sôi và chan nước dùng. 
  11. Thêm chanh, ớt và mắm tôm khi ăn. 
 
 
 

Bún Thang phải ăn khi thật nóng mới ngon!

10 bình luận cho “Bún Thang”

  1. món này ăn với gà xé hay gà chặt Lili ơi? cho bí quyết luộc gà ngon đi (mặc dù mình luộc cũng đã ngon rồi ^^)

    Thích

  2. Gà xé chứ, tớ chỉ chặt cánh, cổ với chân để gặm với muối tiêu chanh thôi.

    Lili ko có bí quyết luộc gà gì đâu. Cái này là kỹ thuật cơ bản học lại của mẹ với bà trẻ của tớ nhé:
    Luộc gà, vịt, ngan thì đều luộc nước lạnh,để không bị lòng đào ở trong với khỏi rách da. Khi luộc thịt gì thì tớ đều bỏ chút muối, củ hành ta đập dập vào cho thơm. Khi nước sôi phải để lửa liu riu nhé. Luộc khoảng 30'-40' là gà chín, dùng que nhọn chọc vào phần đùi thấy nước trong chảy ra là được. Muốn da gà săn, màu vàng đẹp óng ả thi ngâm ngay gà mới luộc vào nước lạnh đến khi nguội hẳn.

    Thích

  3. thks Lili. Lần đầu có người xúi luộc gà nước lạnh á ^^. đống ý có vụ muối, hành và nếu 1 lát gừng nữa cũng okie. nhưng xưa giờ mình ưa luộc nước sôi, thịt gà không bị bở, nhất là gà mua bên này, dù là gà chạy bộ. và thường với gà chạy bộ mua ở đây thì mình chỉ luộc max là 25 á. để lửa vừa, không lớn không nhỏ. mình thì thấy okie, da gà không bị rách, thịt dzai, ngon ngon. còn cách của Lili thì để bữa nào xơi thử xem sao^^

    Thích

  4. Vụ luộc gà nước sôi hay nước lạnh thực ra cũng khó nói lắm. Lili luộc nước lạnh cũng một phần gà ở đây không phải tươi mới mổ mà họ mổ rồi để ngăn mát nên luộc hay bị hồng. Còn 30'-40' thì là lửa nhỏ chứ cứ để sôi ầm ầm là thành gà hầm ngay. Ở Úc Lili ko khoái ăn gà chạy bộ lắm thích ăn gà 'nửa chừng xuân', con 3kg – 10AUD, da nó dai và giòn như gà mái già, gợi nhớ mon gà trống thiến ở nhà. Em này nấu phở gà cực chuẩn.

    À tớ có biết một cách luộc thịt gà công nghiệp ngon. Miếng thịt không bở mà 'melted in your mouth' nhưng rất mất công.

    1. Nước sôi, bỏ nhánh gừng và củ hành ta đập dập, tắt bếp. Thả em gà đã được mátxa với gừng và muối vào nồi nước ngâm trong nươc 30' đậy nắp nồi nhé. Khoảng 5' sau khi ngâm, vớt em ấy lên, dốc ngược để nước ra hết khỏi bụng gà rồi lại tiếp tục ngâm. Lặp lại như vậy 2 đến 3 lần nữa.

    2. Sau 30' mở bếp lại, nhưng chỉ để đến khi sôi lăn tăn lại tắt bếp, đậy nắp ngâm gà 30' nữa. Kiểm tra thấy thịt gà chín là có thể ăn được.

    Quy tắc là không luộc em ấy lên mà để em ấy chín từ từ trong nước nóng, thịt sẽ không bở.

    Thích

  5. Bạn Gấu ới,
    Quên ko hỏi bạn là đọc bún Thang của tớ khác bún Thang của bạn ko?

    Thích

  6. tuần sau mình sẽ thử làm món này tuy không có xá xùng 🙂 mực khô thì mua ở đâu Huệ nhỉ

    Thích

  7. bài hay ảnh đẹp, nhìn mê quá ý 🙂 bạn Lili chịu khó post bài nhé, tớ sẽ vào tham khảo khi làm thực đơn đi chợ trong tuần 🙂

    Thích

  8. Mực khô mua ở shop tàu hay chợ Việt Nam đều có. Nàng mua mực loại nhỏ để nấu súp thôi, nếu dùng mực nhỏ thì nướng 3-4 con vào.
    Cảm ơn nàng khen nhé! Tớ sẽ cố gắng nhưng chắc không chăm bằng nàng được đâu.

    Thích

  9. không khác gì, giống y chang mới vui ^^. tớ thấy một số người còn cho thêm thịt nạc thái nhỏ xíu, rim sơ qua rồi rắc lên, gọi là ruốc sỏi. có 1 lần mình làm như vậy, nhưng sau thấy chả cần thiết 🙂

    Thích

Bình luận về bài viết này

Chạy bằng WordPress.com.